Signed in as:
filler@godaddy.com
Signed in as:
filler@godaddy.com
Tôi không phải là người chơi đàn chuyên nghiệp, theo nghĩa tôi không kiếm sống bằng việc chơi đàn. Vậy nên thời gian chơi đàn của tôi cũng hạn chế và tôi hiểu được yếu tố thời gian hạn chế trong việc học chơi đàn.
Vì tôi không kiếm sống bằng việc chơi đàn nên có vài bằng hữu hỏi tôi học chơi đàn để làm gì. Câu hỏi đó hẳn đã có hàm ý các bạn không thấy cái giá trị hữu hình nào trong việc chơi đàn trong trường hợp của tôi (vì ví dụ chẳng ai hỏi đi buôn đất để làm gì cả). Những câu trả lời kiểu như "vì tôi yêu nhạc" thì nó có vẻ kệch cỡm và chẳng trả lời được câu hỏi một cách căn cơ. Câu trả lời của tôi có lẽ cũng sẽ không khá hơn mấy nhưng tôi có thể diễn giải. Đối với tôi thì âm nhạc cũng như một ngôn ngữ, học chơi nhạc thì cũng như học một ngôn ngữ mới. Có bạn học tiếng này, tiếng kia, thì ở đây là học nhạc, vậy thôi. Tất nhiên nhiều người học ngôn ngữ vì một mục đích hữu hình nào đó (có thể lượng hóa), nhưng cũng có những người học chỉ vì thích, và tôi là một trường hợp như vậy. Ngôn ngữ không chỉ để truyền đạt thông tin, mà còn để truyền đạt những thứ khác, ví dụ là cảm xúc. Âm nhạc thì dùng để truyền đạt cảm xúc là chính, công dụng cũng như một phần của một ngôn ngữ nào đó. Nếu các bạn học ngôn ngữ chỉ để truyền đạt thông tin, thì có lẽ các bạn khó có thể hiểu người ta học nhạc để làm gì. Trong trường hợp của tôi thì tất cả những người bạn của tôi đều có khả năng vượt trội so với tôi về ngôn ngữ, thế nên chuyện tôi học chơi nhạc chắc chẳng có gì lạ. Khi chúng ta học một ngoại ngữ thì lúc đầu muốn diễn đạt một cái gì đó sẽ rất khó khăn, ngay cả những cái đơn giản nhất. Dần dà thì chúng ta sẽ thoải mái hơn, khi chúng ta có vốn từ vựng tốt hơn, quen với cấu trúc câu, học được nhiều cách diễn đạt khác nhau v.v. Mục đích tôi học chơi đàn cũng vậy: để diễn đạt thoải mái hơn, tự nhiên hơn, và theo cách của mình. Nói một cách "sang trọng" hơn thì là đạt tới sự tự do trong diễn đạt, cũng như khi một người làm chủ được một ngôn ngữ (tất nhiên tôi còn xa mới đến được ngưỡng đó). Tôi không cho rằng chuyện phải chơi nhanh hơn, phức tạp hơn v.v thì mới là hay, vì nếu chiếu theo cách diễn đạt bằng ngôn ngữ thì nói quá nhanh, quá rối rắm thì chỉ chứng tỏ tâm thần có vấn đề. Tất nhiên để diễn đạt thì chúng ta phải có kỹ thuật, có vốn từ, nhưng đó là phương tiện, không phải là cứu cánh.
Nói dông dài như vậy thì cũng chỉ có ý âm nhạc cũng như một ngôn ngữ. Ai đó có nói biết thêm một ngôn ngữ thì giống như có thêm một tâm hồn. Biết chơi nhạc thì tâm hồn giàu thêm. Nhưng tâm hồn có giàu thêm thì cũng chẳng sống lâu hơn, mà tâm hồn nghèo nàn thì cũng chẳng kém thọ hơn. Không có gì nghiêm trọng cả.
This website uses cookies to ensure you get the best experience on our website.