Signed in as:
filler@godaddy.com
Signed in as:
filler@godaddy.com
Sài gòn, tháng 9/2016
Phương pháp này nhằm giúp bạn chơi nhạc pop theo cách riêng của mình. Bước đầu bạn nghe trên băng đĩa xem thực tế người ta chơi nhạc thế nào (giai đoạn nghe). Sau đó chúng tôi giúp bạn hiểu các khái niệm nhạc và âm thanh vừa được nghe (giai đoạn tri thức hóa). Kế đến bạn thẩm thấu các khái niệm âm thanh mới đó qua các bài tập mục tiêu chọn lọc, vừa bằng cách nghe và bằng cách tập trên guitar (giai đoạn nghe sau). Cuối cùng, bạn kết hợp các âm thanh đã được thẩm thấu đó theo thẩm mỹ của mình để chơi nhạc một cách thoải mái, tự tin, và theo cách riêng của mình.
Âm nhạc là nghe, chứ không phải nhìn đọc, và cũng không phải là làm xiếc với ngón tay.
Các khóa dạy guitar thường quảng cáo kiểu "Thành thạo guitar trong 3 tháng" (tôi tự hỏi có ai có thể thành thạo bất cứ một thứ gì trong 3 năm không, chứ đừng nói đến 3 tháng) và cũng dễ hiểu chuyện nếu là người đi học thì bạn thích chuyện này, vì có thể biểu diễn cho bạn bè xem càng sớm càng tốt. Để có kết quả nhanh thể hiện ra ngoài này thì người ta cho bạn chơi ngay bằng cách đọc nốt trên bản nhạc viết sẵn hoặc bắt chước theo chỗ đặt ngón tay ở đâu và di chuyển lên xuống thế nào. Vấn đề là người ta không biết là bạn có thật sự nghe được những gì bạn chơi hay không. Học chơi theo kiểu này (có thể so với học vẹt) làm bạn tách rời khỏi âm nhạc mà lẽ ra phải được vang lên trong đầu và được cảm nhận trong cơ thể bạn. Hậu quả trông thấy là cách chơi không có sức sống với tiết tấu nhàm chán, tiết nhạc (phrasing) cứng nhắc và hòa âm (harmony) nghèo nàn. Hậu quả ẩn bên trong và nguy hiểm hơn là dần dà bạn sẽ thấy nhàm chán, nản lòng, không biết làm sao để tiến bộ và chơi được theo cách riêng của mình. Một lần nữa, nguyên nhân rất dễ thấy: nếu âm nhạc không vang lên trong đầu bạn trước và nếu bạn không chơi nhạc từ bên trong ra thì sớm hay muộn bạn cũng sẽ bị tách rời khỏi âm nhạc và khỏi chính mình. Bạn không thể chơi theo cách riêng của mình nếu bạn không nghe và cảm nhận âm nhạc từ bên trong bạn.
Khi vấn đề đã rõ thì chúng ta biết phải làm gì. Cách tiếp cận bây giờ là phải tập trung vào tai nghe, chứ không phải vào mắt nhìn và ngón tay.Quá trình dạy nhạc nên giúp bạn có kỹ năng nghe rõ ràng, nhận thấy được dạng thể (form) của bài nhạc, khuếch đại được tín hiệu âm nhạc trong đầu (và cơ thể) bạn và cuối cùng sẽ giúp bạn phát khởi các ý tưởng âm nhạc của mình trước khi bạn cầm cây đàn guitar lên để chơi. Khi tập trung vào kỹ năng nghe thì bạn có thể tập mà không cần cây guitar, và vì vậy bạn có nhiều thời gian thuận tiện hơn để tập luyện. Dĩ nhiên bạn cũng phải cần có thời gian với cây đàn, nhưng thời gian này có thể được giảm tối đa với mục đích là chuyển tải những gì bạn tập nghe được sang cây đàn và tránh thời gian vô ích trong chuyện cứ bấm trên phím đàn mà trước đó không có một tín hiệu âm nhạc trong đầu (việc mà trước sau gì cũng làm bạn tách rời khỏi âm nhạc).
Âm nhạc có nhiều thành tố, bao gồm cả những thứ "xa xôi" như thẩm mỹ hay văn hóa nhưng để học nhạc thì trước tiên chúng ta phải tìm hiểu những thứ gần nhất, đó là hòa âm (harmony), tiết tấu (rhythm) và giai điệu (melody).
Nhìn khái quát thì hòa âm dựa trên tính căng thẳng và tháo gỡ khỏi căng thẳng (tension and release). Về hòa âm thì một bài hát thường xuất phát từ tình trạng release, sau đó chuyển dần đến tình trạng tension và sau đó trở về release. Vì vậy, trước tiên bạn phải học để nhận biết (nghe được) rõ ràng các điểm tension và release trong một bài hát trước khi bạn có thể tiếp tục học để áp dụng vốn từ hòa âm phức tạp hơn. Việc này cũng giống như chúng ta phải nhìn thấy và phân biệt được màu trắng và màu đen rõ ràng trước khi dùng được dải màu ở giữa đó. Trước tiên chúng ta chỉ cần dùng một công cụ hòa âm (hợp âm) tối giản nhất để phản ảnh các điểm tension và release này và như vậy là đủ. Sau khi xây được nền móng này rồi thì chúng ta mới có thể xây tiếp các tầng hòa âm khác (hợp âm) lên trên.
Mời bạn nghe tôi chơi bài Hạ Trắng (Trịnh Công Sơn). Bạn hãy chú ý phần hòa âm.Mặc dù tôi dùng hơn chục hợp âm trong bài nhưng thực chất đó chỉ là những dịch chuyển (movements) giữa một vài hợp âm căn bản và có chức năng như các chuyển tiếp (transitions) giữa các điểm release và tension (được phản ảnh bằng các hợp âm căn bản). Khi các bạn đã nghe rõ được các điểm release và tension rồi thì sẽ phát triển tai nghe để nghe được các harmonic movements.
Học hòa âm theo phương pháp Ear-based guitar learning
Theo tôi thì cách dạy đệm guitar (rhythm guitar) chỉ qua tên của các điệu nhảy (như điệu slow rock, điệu bô-le-rô, điệu vanxơ v.v) và bằng cách chỉ đánh tay phải lên xuống như thế nào là rất hạn chế. Cách này không sai nhưng bất lợi nhất là nó làm cho mọi tiết tấu được chơi theo kiểu xưởng sản xuất hàng loạt, không uyển chuyển và không phản ảnh được cảm nhận bên trong của từng người chơi với mỗi tiết tấu. Bạn có thể bắt đầu bằng việc học các tiết tấu nhảy đó, nhưng mục đích là để hiểu các đặc tính của các điệu đó. Bạn cần biết cái gì làm cho tiết tấu đó đặc sắc, nghe được nó trong đầu và cảm nhận được nó trong cơ thể bạn. Điều này cũng giống như trong việc học hòa âm: có thể nghe được cái cốt lõi nhất. Khi bạn đã có nền móng tiết tấu vững chắc rồi thì bạn lại có thể tiếp tục dựng lên và trau chuốt tiếp. Bạn sẽ có thể chơi uyển chuyển và nghe tiết tấu không phải như các điệu nhảy tiêu chuẩn cứng nhắc, mà như là các "groove". Không có nhiều điệu nhảy tiêu chuẩn nhưng có vô số các groove, nhiều như là mỗi người tự tạo ra chúng.
Mời bạn nghe tôi chơi 3 bài sau đây. Thường thì các bài này được chơi theo "điệu bô-le-rô" và vì vậy na ná nhau về mặt tiết tấu. Các bạn xem thử tôi xử lý về mặt tiết tấu ra sao và tôi hy vọng các bạn thấy được 3 grooves khác nhau trong 3 bài này và không quan tâm đó có phải là điệu bô-le-rô hay không.
1- "Mùa đông của anh", arranged & played for learning purposes
Nếu tôi xem các bài này là bô-le-rô thì hẳn tôi đã chơi các bài này giống hệt nhau về mặt tiết tấu. Xin được nhắc lại, bạn chỉ có thể tạo ra khác biệt trong cùng một loại tiết tấu điệu nhảy nếu bạn hiểu rõ cốt lõi của tiết tấu đó và cảm nhận được cái groove thuộc về cá nhân của bạn bên trong.
2- "Buồn" (Y Vân), arranged & played for learning purposes
Bạn nên nghĩ dưới khía cạnh "groove", chứ không phải là các điệu nhảy.
3- "Ta đâu có say", arranged & played for learning purposes
Tôi không nói về ngẫu hứng giai điệu (melodic improvisation) ở đây vì đó là một chủ đề hoàn toàn khác. Cái chúng ta xem xét ở đây là xử lý giai điệu nguyên gốc của một bài hát thế nào. Cốt lõi là bạn nên chơi một giai điệu theo cách mà bạn hát chúng hoặc muốn nó được hát như vậy. Đừng đụng đến cây đàn cho đến khi bạn nghe thấy mọi thứ trong đầu: tiết nhạc (phrasing), cách nhấn (articulation), to nhỏ (dynamics), nhấn lệch nhịp (syncopation) v.v. Tóm lại là hát bài đó trong đầu bạn và rồi chơi như vậy trên cây đàn.
Trong bài "Biển tình" (Lam Phương) này, tôi cố gắng theo tiết nhạc (phrase) cách một ca sĩ hát bài này mà tôi rất thích. Vì chơi độc tấu guitar nên tôi đã phải "hy sinh" nhiều điểm kỹ thuật về hòa âm và tiết tấu để dành nhiều nhất cho giai điệu. Các bạn hãy nghe cách tôi chơi giai điệu bài hát này trong khi tôi nghe tiếng hát của người ca sĩ trong đầu.
Và đây là bản của người ca sĩ tôi nói đến: Biển tình (Lam Phương)
Tôi hy vọng các bạn đã thu được một ít ý tưởng mới trong việc học nhạc và học chơi guitar. Hãy đầu tư thời gian vào kỹ năng nghe nhạc một cách có hệ thống. Tín hiệu âm nhạc sẽ rõ dần trong đầu bạn khi bạn nghe một bản nhạc. Bạn sẽ có thể nghe được hòa âm dịch chuyển trong dạng thức của bản nhạc, nắm bắt và cảm nhận được tiết tấu một cách chắc chắn, và nhận thấy cách mà giai điệu được phrase tinh tế như thế nào. Nhưng trên hết là bạn sẽ nhận thấy được các thành tố khác nhau của âm nhạc kết hợp với nhau như thế nào để cho bạn thưởng thức âm nhạc đặc sắc hơn.
Vì tập trung vào kỹ năng nghe nên bạn có thể luyện tập ở bất cứ đâu khi bạn nghe nhạc. Điều này sẽ giúp bạn có nhiều thời gian tập hơn mà không cần cây guitar (chắc bạn cũng đang có công việc khác chứ không học guitar cả ngày được). Bạn sẽ không bao giờ quên những gì mình học vì những cái đó đã ở bên trong bạn. Nhiều người nói với tôi họ đã từng học chơi đàn nhưng bây giờ thì quên hết và không biết gì về hòa âm, tiết tấu v.v. Điều này chỉ chứng minh những gì tôi đề cập ở trên là thật ra những gì họ học chỉ là trí nhớ trên ngón tay (finger memory), một dạng học vẹt chứ không có gì liên quan đến âm nhạc cả. Nếu bạn học được cái cốt lõi và nó đã ở bên trong bạn thì sao bạn quên được? Nếu bạn không tập đánh đàn thì tất nhiên bạn không có kỹ thuật để đàn ra những cái mà bạn nghe được chứ bạn không quên. Tương tự như vậy, làm sao bạn có thể quên được tiếng mẹ đẻ của mình ngay cả khi bạn không nói tiếng đó suốt nhiều năm? Cái gì của bạn thì sẽ mãi là của bạn.
Cái bạn có là nền tảng âm nhạc mà từ đó bạn có thể phát triển lên và mở rộng ngôn ngữ âm nhạc của mình. Bạn sẽ có thể nhìn cây đàn guitar theo cách đúng nhất: một nhạc cụ để biểu lộ các ý tưởng âm nhạc của bạn. Nếu bạn không có nền tảng đó thì mọi việc sẽ diễn ra ngược lại: bạn không chơi guitar, mà cây guitar đang chơi bạn.
Lợi ích không chỉ nằm ở việc chơi guitar. Ngay cả khi bạn không chơi guitar thì bạn cũng sẽ hiểu và thưởng thức âm nhạc tốt hơn. Nếu bạn cứ tập nghe tùy theo thời gian bạn có thì dần dần bạn sẽ trở nên nhạy cảm hơn với âm thanh của âm nhạc và thưởng thức tốt hơn các thể loại nhạc phức tạp hơn như nhạc jazz, nhạc cổ điển. Nếu thỉnh thoảng bạn hát, bạn sẽ thấy bạn có thể làm chủ bài hát và tự do hơn với tiết nhạc (phrase), ngắt nhịp chõi (syncopate) và nhấn nhá (put dynamics) tinh tế vào giai điệu của bài hát.
Tôi hy vọng bài này có ích cho các bạn. Bạn có thể xem qua các video tôi chơi để trên kênh Youtube của tôi. Nếu bạn không thích cách tôi chơi thì hãy quên những điều tôi vừa nói. Tôi chỉ có một yêu cầu nhỏ là các bạn hãy nghe bằng một chiếc tai nghe (headphone) tốt để chắc rằng các bạn nghe được các giải tần bass, middle và treble, đặc biệt là tiếng bass vì một nốt bass có thể làm thay đổi hướng đi của hòa âm và một đường bass (bass line) tích cực sẽ tạo ra một cảm nhận tiết tấu hoàn toàn khác. Các bạn chỉ nên học nhạc với người mà các bạn thấy người đó chơi hay, bất chấp người khác đánh giá người đó như thế nào. Lý do là khi bạn cảm thấy bị thu hút vào một loại nhạc hay cách một người nào đó chơi, thì đó không có nghĩa là cái mà bạn cảm thấy bị thu hút đó hay mà đó chỉ có nghĩa là nó giúp hiển lộ một cái gì đó bên trong bạn. Cái bên trong đó của bạn có cùng tần số với âm nhạc mà bạn thích và vì vậy nên bạn thích nó. Vậy nên thông qua loại nhạc mà bạn thích thì bạn có thể đi vào bên trong và khám phá (lại) chính mình.
Chúc các bạn thành công!
Thân mến,
Võ Minh Thái, Sài Gòn, tháng 9/2016.
This website uses cookies to ensure you get the best experience on our website.