Signed in as:
filler@godaddy.com
Signed in as:
filler@godaddy.com
Đối tượng của khóa học là các bạn từ 30 tuổi trở lên và với độ tuổi này, tôi thường thấy có những quan niệm không đúng về việc học chơi nhạc, dẫn đến việc dù muốn nhưng chúng ta lại ngại bắt đầu học chơi (hoặc ngại tiếp tục học chơi guitar sau nhiều năm bỏ dở). Các lý do tôi thường nghe là: lớn tuổi không học được, không có khiếu, mù nhạc, không có thời gian. Sau đây tôi sẽ giải thích tại sao các lý do này là không có cơ sở và phương pháp này của tôi có thể giải quyết và tận dụng được các điểm "bất lợi" đó của bạn.
Đây là lý do dùng để chống chế, chứ không thể dùng để trực tiếp giải thích việc không học được. Chuyện lớn tuổi trong vài trường hợp có thể dẫn đến những chuyện khác trực tiếp ảnh hưởng đến việc học chơi guitar, ví dụ như mắt mù, tai điếc ..., chứ hoàn toàn không phải là nguyên nhân trực tiếp. Nhiều người nói lớn tuổi thì tay cứng, không dẻo nữa. Điều này đúng, nhưng chúng ta không cần quá nhiều kỹ thuật. Đánh đàn nhanh không có nghĩa là hay. Thật ra, các bài nhạc mà chúng ta thấy hay và nhớ thì gần như không có bài nào quá nhanh cả, hầu hết những bài đó chỉ ở tốc độ chậm hoặc vừa. Khi thấy một người đánh rất nhanh, có thể chúng ta có ấn tượng lúc đầu nhưng thật ra chúng ta không thể nghe nhanh như vậy quá 5 phút. Vậy nên chuyện kỹ thuật thật ra không phải là rào cản.
Đành rằng muốn đạt đến trình độ siêu xuất bạt quần thì chắc là cũng cần năng khiếu bẩm sinh nào đó, nhưng học chơi nhạc thì cũng như học một ngôn ngữ, muốn trở thành một nhà văn hoặc một nhà hùng biện thì khó, chứ để có thể diễn đạt ý của mình một cách bình thường, tự nhiên (mà vẫn mang màu sắc của mình) thì rõ ràng đó là chuyện ai cũng làm được. Âm nhạc là âm thanh, bạn có thể biết được người bạn ở đầu dây gọi điện cho bạn là ai chỉ qua một câu nói (thậm chí bạn còn có thể biết được tâm trạng của người đó), thì không thể nói là bạn không có đủ "năng khiếu" để học một môn về âm thanh được.
Tôi không hiểu tại sao lại có thuật ngữ này và ai là người đặt ra nó. Người ta có thể nói là mù chữ vì chữ thì phải nhìn mới thấy. Âm nhạc là âm thanh, không có lý gì gọi là mù, chỉ có thể gọi là điếc (trong trường hợp này điếc không có nghĩa chúng ta không nghe thấy gì về mặt vật lý, mà là chúng ta không thể phân biệt được âm thanh và tiếng ồn). Như vậy, chúng ta cần chú trọng học để nghe được và hiểu được các mối liên hệ trong ngôn ngữ âm nhạc, chứ không nên đặt nặng chuyện đọc và chơi theo các nốt nhạc có sẵn. Tôi gặp nhiều người có thể chơi các bản nhạc cổ điển rất phức tạp và tinh tế về mặt hòa âm nhưng khi tự mình đặt hòa âm cho một bài hát bình thường thì phần hòa âm của họ lại rất đơn điệu và tương đối ngây ngô. Điều đó chứng tỏ họ có đủ kỹ thuật để chơi những gì đã viết sẵn nhưng họ không hiểu đủ để ứng dụng những gì họ chơi theo, cũng gần giống như ta có thể học để đọc biểu cảm một bài văn nhưng nếu muốn tự mình viết, dù chỉ một đoạn văn, thì lại đòi hỏi một trọng tâm học tập hoàn toàn khác.
Điều này đúng, nhưng đó là nếu chúng ta học theo kiểu cần có thời gian liên tục mỗi ngày và phải có cây đàn kè kè bên. Các phương pháp thông thường tôi thấy không giải quyết được vấn đề thời gian của những người có các mối quan tâm khác hơn là tập đàn. Tệ hơn, là thông thường người chú trọng vào việc dồn thời gian để luyện kỹ thuật nhằm bắt chước đánh theo một cái gì đó, chứ không phải dành thời gian để giúp bạn hiểu nhạc để ứng dụng và có căn cơ để để tiếp tục hành trình âm nhạc, không giúp bạn bắt đầu tư duy như một người chơi nhạc (musician), chứ không chỉ là một người chơi guitar (guitarist).
Nguyên nhân thật sự làm chúng ta không học được guitar
This website uses cookies to ensure you get the best experience on our website.